Quai bị là bệnh khá phổ biến ở nước ta không quá xa lạ gì. Theo ghi nhận, mỗi năm ở Việt Nam có hàng ngàn trường hợp mắc quai bị. Bệnh quai bị ở trẻ em tuy không phải là bệnh nguy hiểm nhưng thuốc đặc trị về bệnh thì chưa có mà biến chứng của bệnh lại rất phức tạp vô cùng nguy hiểm.
Quai bị là bệnh do virus Paramyxovirus gây nên. Bệnh chỉ xuất hiện ở người, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, nhất là trẻ từ 6 – 10 tuổi. Bệnh thường phát vào mùa đông xuân, khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, xuất hiện ở những nơi đông người như: nhà trẻ, trường học, ký túc xá, khu tập thể… Bên cạnh đó quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính rất dễ lây lan qua đường hô hấp. Vậy dấu hiệu nhận biết bệnh quai bị và phương pháp phòng ngừa là gì chúng ta cùng tìm hiểu.
1. Dấu hiệu nhận biết bệnh quai bị ở trẻ em
Những dấu hiệu dễ nhận biết nhất về bệnh quai bị gồm:
- Sốt cao đột ngột.
- Chán ăn.
- Đau đầu.
- Buồn nôn, nôn.
- Đau cơ, nhức mỏi toàn thân.
- Mệt mỏi.
- Có thể sưng bìu và đau tinh hoàn.
- Tuyến mang tai to dần và đau nhức.
Đặc biệt: Giai đoạn toàn phát của bệnh
Sau 24-48 giờ khi khởi phát, trẻ sẽ có dấu hiệu viêm tuyến nước bọt hay còn gọi là tuyến mang tai. Đây là một triệu chứng thường gặp ở trẻ bị quai bị. Lúc đầu, trẻ sẽ có dấu hiệu sưng 1 bên mang tai, sau 1-2 ngày sẽ sưng lên bên còn lại. Trẻ bị quai bị thường sưng 2 bên tuyến mang tai, ít có trường hợp sưng 1 bên. Hai bên má bị sưng viêm sẽ không đối xứng, vùng da bị sưng căng bóng, sờ nóng, không đỏ, đau. Trẻ đau hàm khi há miệng, nhai hoặc ăn phải những thức ăn có vị chua.
2. Phương pháp phòng ngừa bệnh quai bị
- Vệ sinh cá nhân thường xuyên , súc họng bằng nước muối hoặc các dung dịch kháng khuẩn khác.
- Giữ môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng, thường xuyên vệ sinh các đồ chơi, vật dụng của trẻ.
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với người bệnh.
- Cho trẻ đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, có nguy cơ lây bệnh cao như bệnh viện.
- Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất tiêm vắc xin sởi quai bị rubella hoặc vắc-xin quai bị. Vắc xin quai bị đang được sử dụng hiện nay là vắc xin vi khuẩn sống, nhưng đã được làm giảm độc lực để không còn khả năng gây bệnh.
3 – Cách điều trị bệnh quai bị
Như nhà thuốc đã chia sẻ ở trên, bệnh quai bị chưa có thuốc đặc trị riêng…việc điều trị bệnh quai bị vẫn dựa vào việc chăm sóc người bệnh và một số điều trị hỗ trợ như sau:
- Khi có dấu hiệu đau ở vùng mang tai, nên đi khám bác sĩ để chẩn đoán chính xác bệnh, vì viêm tuyến nước bọt không nhất thiết do virus quai bị mà có thể do các virus hoặc vi khuẩn khác gây ra.
- Dùng các thuốc hạ sốt, giảm đau để giảm nhẹ các triệu chứng.
- Uống nhiều nước để bù nước và chất điện giải, tốt nhất nên uống Oresol.
- Có thể chườm mát để tuyến nước bọt bớt sưng, đau.
- Hạn chế các loại thực phẩm cứng, các thức ăn nhiều gia vị, cay nóng hoặc có tính acid. Chọn các thức ăn mềm, dễ nhai, dễ nuốt như cháo, súp.
- Chỉ dùng thuốc kháng sinh khi nghi ngờ bội nhiễm và phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
- Người bệnh cần nghỉ ngơi thoải mái và không nên tiếp xúc với các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao như trẻ em, thanh thiếu niên
- Nếu bệnh nhân nam có dấu hiệu viêm tinh hoàn hoặc bệnh nhân nữ bị viêm buồng trứng, nên vào bệnh viện ngay để được theo dõi chặt chẽ, tránh để lại những di chứng đáng tiếc.
Lưu ý: Quai bị là căn bệnh dễ lây lan, khả năng bùng phát thành dịch rất cao, do đó khi trẻ có những dấu hiệu mắc bệnh phụ huynh nên cho trẻ nghỉ học, không đến những nơi đông người, cho trẻ sử dụng riêng các vật dụng cá nhân, đeo khẩu trang khi chăm sóc trẻ.
Nguồn: BV Vinmec, Vnvc.com
(Lưu ý: Thông tin trên bài viết chỉ mang tính chất minh họa và được tổng hợp từ nhiều trang web, báo chí. Mọi thông tin vui lòng liên hệ nhà thuốc để được tư vấn cụ thể).