Thoái Hóa Khớp Gối – Triệu Chứng, Nguyên Nhân, Cách Điều Trị

Thoái hóa khớp gối là một trong những bệnh lý về xương khớp phổ biến nhất hiện nay, không chỉ gây đau nhức mà còn khiến người bệnh mất dần khả năng vận động. Nếu không phát hiện và có biện pháp điều trị từ sớm, thoái hóa không thể kiểm soát, thậm chí còn gây ra nhiều biến chứng. Ở bài viết dưới đây, bạn đọc hãy cùng Thiên Y Phúc tham khảo những thông tin quan trọng về triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa bệnh lý này.

Thoái Hóa Khớp Gối Là Gì?

Thoái hóa khớp gối được hiểu là tình trạng phần sụn khớp cũng như phần xương dưới sụn đầu gối bị tổn thương, gây ra các phản ứng như viêm, giảm dịch khớp, khớp bị khô và thiếu chất nhờn. Hiện tượng này khiến cho người bệnh gặp nhiều khó khăn khi vận động, thường xuyên đau nhức, buốt và nhói ở khớp.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong số các bệnh nhân mắc bệnh lý về xương khớp, có đến 20% bị thoái hóa khớp gối. Những đối tượng dễ bị thoái hóa khớp gối là:

  • Phụ nữ trên 35 tuổi bị rối loạn hormone sinh dục ở giai đoạn mang thai, sau sinh và thời kỳ mãn kinh.
  • Người già có hệ xương khớp bị suy yếu.
  • Người bị chấn thương do vận động, chơi thể thao, tai nạn.
  • Trường hợp béo phì.
  • Người lười vận động, thường xuyên ngồi nhiều, sinh hoạt không khoa học.
thoai hoa khop

Triệu Chứng Thoái Hóa Khớp Gối

Tùy từng giai đoạn tiến triển của bệnh mà thoái hóa khớp gối có những biểu hiện khác nhau:

  • Giai đoạn 1: Sụn khớp gối bị thoái hóa không có triệu chứng rõ ràng. Người bệnh ít hoặc không cảm thấy đau nhức, khó chịu ở khớp gối.
  • Giai đoạn 2: Đây là giai đoạn bệnh tiến triển nhẹ. Khi chụp X-quang sẽ thấy không gian giữa các xương bị thu hẹp, xương không bị cọ xát vào nhau. Đặc biệt lúc này, chất lỏng hoạt dịch được duy trì đủ để khớp vận động bình thường.
  • Giai đoạn 3: Thoái hóa ở mức trung bình, sụn giữa các xương có dấu hiệu tổn thương rõ ràng, không gian xương bắt đầu thu hẹp lại. Người bệnh thường xuyên cảm nhận thấy những cơn đau khi đi bộ, chạy, quỳ, cúi. Ngoài ra, hiện tượng cứng khớp xuất hiện khi thức dậy vào buổi sáng hoặc sau khi ngồi trong thời gian dài.
  • Giai đoạn 4: Là giai đoạn thoái hóa tiến triển đến mức độ nghiêm trọng. Người bệnh cảm thấy đau nhức dữ dội, khó chịu khi đi bộ, cử động. Lúc này, không gian giữa các xương bị giảm đáng kể – sụn hầu như không còn nguyên vẹn, khớp bị cứng và nhiều khi bị bất động. Bên cạnh đó, lượng chất lỏng hoạt dịch cũng ít hơn, không thực hiện đúng nhiệm vụ.

Nguyên Nhân Gây Bệnh

Có rất nhiều nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối có thể người bệnh chưa biết:

  • Tuổi tác: Đây được xem là nguyên nhân chính gây bệnh thoái hóa. Tuổi càng cao, các bộ phận trên cơ thể càng suy yếu, đặc biệt hệ xương khớp không còn khả năng tự chữa lành những tổn thương gây thoái hóa.
  • Di truyền: Bệnh lý này có thể di truyền từ bố mẹ, ông bà sang con cháu do đột biến gen. Vì thế, có rất nhiều người bị viêm xương khớp đầu gối khi còn rất trẻ, phần xương bao quanh khớp bị biến dạng bất thường khiến sụn khớp bị thoái hóa sớm.
  • Cân nặng: Cơ thể thừa cân, béo phì làm tăng áp lực lên tất cả các khớp, nhất là khớp gối, dẫn đến tình trạng hệ thống xương khớp bị tổn thương, dễ thoái hóa.
  • Giới tính: Phụ nữ từ 55 tuổi trở lên có khả năng cao bị thoái hóa khớp gối hơn nam giới do những thay đổi trong cơ thể khi mang thai, sinh con và mãn kinh.
  • Vận động nhiều: Vận động viên thể thao, người có tính chất công việc phải vận động nhiều có nguy cơ cao bị suy yếu khớp gối. Nhất là khi gặp chấn thương trong quá trình vận động, làm việc thì có nguy cơ bị thoái hóa.
  • Chấn thương: Những trường hợp bị chấn thương như đứt dây chằng khớp gối, nứt lồi cầu dưới xương đùi, xương chày, nứt hoặc vỡ xương bánh chè có biến chứng là thoái hóa khớp gối.
  • Bệnh xương khớp khác: Bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp, thừa sắt, thừa hormone tăng trưởng dễ mắc thoái hóa khớp.

Thoái Hóa Khớp Gối Có Nguy Hiểm Không?

Thoái hóa khớp gối gây ra những cơn đau nhức khó chịu, cản trở quá trình vận động, sinh hoạt của người bệnh. Nếu để bệnh tiến triển trong thời gian dài không có biện pháp can thiệp phù hợp có thể gây ra những biến chứng như:

  • Dây thần kinh quanh xương, sụn bị chèn ép khiến cơn đau trở nên trầm trọng, tê yếu, ngứa râm ran.
  • Có nguy cơ cao bị chấn thương đầu gối do đau nhức thường xuyên, khả năng vận động và giữ thăng bằng bị suy giảm.
  • Những trường hợp bị đứt gân, đứt dây chằng khiến xung quanh khớp bị ảnh hưởng, làm mất ổn định khớp.
  • Người bị thoái hóa khớp nặng rơi vào tình trạng sụn mất dần, dẫn đến mất xương.
  • Dễ hình thành u nang sau đầu gối gây áp lực lên các mạch máu, làm suy giảm lưu lượng máu dẫn đến sưng đau ở chân.
  • Người bệnh thoái hóa khớp gối nếu có nồng độ axit uric trong máu tăng cao dễ dẫn đến bệnh gout.
  • Có khả năng gặp một số bệnh lý khác như đái tháo đường, béo phì, tim mạch, ung thư.

Cách Điều Trị Thoái Hóa Khớp Gối

Điều trị thoái hóa khớp gối có nhiều cách tùy thuộc vào mức độ bệnh, nguyên nhân và tình hình sức khỏe của bệnh nhân.

Dùng Thuốc

Đa số trường hợp bị thoái hóa khớp gối được bác sĩ chỉ định dùng thuốc để đẩy lùi nhanh chóng các triệu chứng của bệnh, giảm sưng viêm và đau nhức. Một số loại thuốc dùng cho bệnh nhân thoái hóa là:

  • Thuốc giảm đau chống viêm: Giảm nhanh cơn đau khó chịu từ mức độ nhẹ đến trung bình.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Phổ biến nhất là Naproxen và Ibuprofen, có tác dụng giảm sưng viêm để người bệnh vận động dễ dàng hơn.
  • Thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm: Hỗ trợ cải thiện các triệu chứng thoái hóa khớp, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, bao gồm Diacerein, Glucosamine và Chondroitin.
  • Thuốc tiêm khớp: Một số trường hợp bệnh nặng được chỉ định dùng thuốc tiêm với mục đích bôi trơn, giảm sưng đau và cứng khớp, phổ biến là Acid Hyaluronic và Corticosteroid.

Vật Lý Trị Liệu

Ngoài dùng thuốc, bệnh nhân thoái hóa khớp gối có thể áp dụng vật lý trị liệu để cải thiện các triệu chứng và lấy lại khả năng vận động nhanh hơn. Vật lý trị liệu thoái hóa khớp gối thường bao gồm:

  • Bài tập vật lý trị liệu: Chuyên viên sẽ hướng dẫn người bệnh thực hiện các động tác như nâng chân, kéo giãn cơ đùi để khớp gối vận động linh hoạt và đẩy nhanh quá trình lành thương.
  • Sử dụng sóng siêu âm: Sóng siêu âm có khả năng thâm nhập vào sâu bên trong vị trí bị tổn thương, thúc đẩy tuần hoàn máu lưu thông và đẩy nhanh quá trình phục hồi bệnh. Ngoài ra, phương pháp này còn kháng viêm và giảm tần suất, mức độ đau ở khớp gối.
  • Châm cứu bấm huyệt: Khi dùng điện xung, vùng cơ xung quanh gối sẽ rung lên, làm giãn cơ, tăng tuần hoàn máu lưu thông, giảm đau và hỗ trợ lành thương nhanh hơn.
  • Lạc cứu: Hỗ trợ vận động các khớp gối một cách thụ động, massage xoa bóp cơ khớp gối, thẩm thấu tinh dầu thảo dược tự nhiên thông qua đường kinh lạc, góp phần phục hồi chức năng của khớp gối.

Phẫu Thuật

Phẫu thuật được chỉ định cho trường hợp bệnh nặng, không đáp ứng với các biện pháp kể trên. Phương pháp này cho hiệu quả nhanh chóng, có thể xử lý triệt để thoái hóa, tuy nhiên nếu không thận trọng sẽ để lại biến chứng.

Các biện pháp can thiệp ngoại khoa điều trị thoái hóa khớp gối là:

  • Nội soi khớp: Áp dụng cho trường hợp thoái hóa khớp gối có kèm theo rách sụn chêm thoái hóa.
  • Ghép sụn: Những đối tượng có lỗ hổng trên sụn thường được lấp đầy bằng mô sụn khỏe mạnh ở phần khác của đầu gối. Ghép sụn thường chỉ định cho bệnh nhân trẻ tuổi có vùng sụn bị tổn thương nhỏ.
  • Cắt bỏ bao khớp: Đây là thủ thuật loại bỏ lớp niêm mạc khớp bị tổn thương nhằm giảm sưng và đau.
  • Cắt xương: Phần xương đầu gối, xương chày hoặc xương đùi bị tổn thương được cắt bỏ, sau đó tạo hình lại để giảm áp lực lên khớp gối. Cắt xương thường được áp dụng khi thoái hóa khớp giai đoạn đầu và chỉ tổn thương một bên khớp gối.
  • Thay thế đầu gối: Bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thay thế một phần hoặc toàn bộ đầu gối thông qua việc loại bỏ sụn, xương bị hư hỏng và định vị bề mặt khớp bằng nhựa hoặc kim loại để phục hồi chức năng đầu gối.

Cách Phòng Ngừa và Hỗ Trợ Bệnh Hiệu Quả

Để giúp phòng ngừa thoái hóa khớp xuất hiện, tái phát lại và hỗ trợ quá trình điều trị đạt hiệu quả nhanh, các bạn cần lưu ý:

  • Kiểm soát cân nặng phù hợp, phòng ngừa béo phì bằng cách luyện tập thể dục điều đặn, vừa sức.
  • Bổ sung canxi và các thực phẩm giàu canxi như thịt, tôm, cua. Đồng thời, bổ sung vitamin D, C, acid folic trong các loại rau, củ.
  • Sử dụng dầu có chứa acid béo không no và omega-3 có trong sữa đậu nành, hạnh nhân, dầu oliu.
  • Tăng cường ăn các loại trái cây như chanh, cam, đu đủ, bưởi.
  • Nên tránh ăn thực phẩm nhiều mỡ, bơ, xúc xích, nước ngọt, kiêng sử dụng đồ uống có cồn (rượu, bia) và thuốc lá.
  • Cần lưu ý tư thế làm việc và khiêng vác vật nặng, chỉnh tư thế cho thẳng. Nếu mang vác vật gì, không được nghiêng qua nghiêng lại nhiều sẽ ảnh hưởng đến khớp gối, cột sống lưng.
  • Tránh ngồi, đứng ở một tư thế quá lâu. Khi lao động, tập luyện, nếu thấy đau ở khớp gối thì ngừng, thư giãn, không được gắng sức.
  • Đến thăm khám bác sĩ nếu nhận thấy có những triệu chứng bất thường.

Trên đây là toàn bộ những thông tin liên quan đến bệnh thoái hóa khớp gối bạn cần biết. Đây là căn bệnh thường gặp nhưng nếu không điều trị sớm sẽ gây biến chứng. Cho nên, khi có dấu hiệu của bệnh, hãy nhanh chóng đến bệnh viện gặp bác sĩ chuyên khoa để được xử lý kịp thời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *